Đền Mẫu Phong Mục Hàn Sơn Thanh Hóa thờ ai ở đâu..?
Đền Hàn Sơn Mẫu Thoải Phong Mục là đền thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Cung nằm bên bờ sông Lèn nay thuộc làng Phong Mục, xã Châu Lộc cũ (nay là xã Triệu Lộc), huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa chỉ cách ngã Ba Bông 3km, nơi một tiếng gà gáy cả năm huyện nghe (Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định). Đây là nơi thờ chính của Mẫu Thoải bên cạnh cụm di tích thắng cảnh khác như đền Mẫu (còn gọi đền Mẫu Phong Mục); đền Quan Giám sát; đền Cô Tám đồi chè; đền Cô Đôi… được xây dựng trên một thế núi hình sông vừa tuyệt đẹp, vừa linh thiêng.
Hiện nay có 2 ngôi đền Hàn Sơn thờ Mẫu Thoải, nhiều người sẽ bị nhầm lẫn với Đền Mẫu Hàn Sơn mới thuộc thôn Chí Phúc, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa nằm bên kia sông. thực ra Đền Phong Mục Hàn Sơn thuộc làng Phong Mục, xã Châu Lộc cũ (nay là xã Triệu Lộc), huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa mới là Đền chính, còn Đền mới là nơi thờ vọng. Đi từ phía bắc vào phải đi qua cầu Đò Lèn một quãng khá xa mới rẽ phải để đi vào Đền Cô Tám Đồi Chè rồi đến Đền Ông Bơ mới sau đó là Đền Quan Giám rồi trong cùng là Đền Phong Mục Hàn Sơn.
Truyền thuyết về cụm di tích Đền Hàn Sơn Phong Mục
Theo huyền sử, vào khoảng những năm đầu đại Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), Thái Úy Lê Thọ Vực sau khi lập được nhiều công trạng được vua phong chức “Bình Trương Quân Quốc Trọng Sự”, rồi đến chức “Sùng Quốc Công”, giao chấn giữ biên ải Ba Bông “Rừng thiêng nước độc”. Trong một trận giao tranh ác liệt kéo dài, không phân thắng bại mà tình thế rất nguy cấp. Đêm hôm ấy, danh tướng đã mơ thấy một người con gái mặc xiêm y trắng trên mây giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu thoải tất ứng linh”. Theo lời, danh tướng dẫn quân xuôi về Chí Thủy (Thác Hàn Sơn bây giờ) dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm, khi nước thủy triều xuống thì tổng lực phản công, thuyền giặc rút chạy bị vấp vào bãi đá ngầm, lật nhào chìm đắm rất nhiều, quân mai phục đổ ra đánh úp, quân giặc chết nhiều vô kể và thất bại thảm hại, không còn dám quấy nhiễu nữa. (Dấu tích bãi đá ở Thác Hàn vẫn còn cho đến ngày nay). Sông Lèn khi xưa được tách dòng từ sông Mã, chảy qua hệ thống đá ngầm ở chân núi thì dòng chảy trở nên hung dữ, xoáy xiết, nhất là vào mùa mưa lũ thì thêm bội phần nguy hiểm cho thuyền bè qua lại.
Thác Hàn Sơn lừng lẫy chiến công, nức tiếng muôn phương, oanh liệt một thời. Người con gái trong kiệu võng về báo mộng cho tướng quân Lê Thọ Vực đêm hôm ấy chính là con gái Ngọc Hồng thượng đế (Công chúa Mai Hoa) mà nay gọi là Cô Ba hay Cô Bơ thoải phủ đền Ba Bông. Còn người báo mộng hiến kế để tướng quân Lê Thọ Vực phá giặc là “Đệ Tam Thủy Tiên Thánh Mẫu Bạch Ngọc Hồ Trung Xích Thủy Tinh Xích Lân Long Nữ” hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thoải, Mẫu Hàn Sơn đều là một. Để đáp lại ân đức của thánh thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu vua, vua Lê cho lập đền thờ Cô Ba ở bờ bãi bồi Ba Bông hiện nay. Đền thờ Đệ Tam Thánh Mẫu ở non cao Thạch Bàn thác Hàn Chí Thủy (về sau mới di dời xuống bên sông để nhân dân thuận lợi việc thăm viếng). Nhớ ơn công đức của tướng quân Lê Thọ Vực, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ngay phía dưới trước đền Mẫu, được tách rời bởi sân Đại Bái (Từ đó đến nay vẫn giữ nguyên sự sắp xếp đó).
Lễ hội Hàn Sơn nét đẹp văn hóa tâm linh vào ngày nào năm 2024
“Dù ai buôn bán trăm bề
Mười hai tháng sáu nhớ về Hàn Sơn”.
Câu ca đó nói lên đã từ lâu lễ hội đền Hàn Sơn Mẫu Thoải Phong Mục rất quan trọng trong tâm thức mỗi người dân trong vùng Hậu Lộc và du khách thập phương. Lễ hội Hàn Sơn được mở vào tháng 6 (âm lịch) hàng năm, ngày 12 tháng 6 âm lịch là ngày chính hội, nhân dân thường tổ chức lễ hội rước kiệu, mà cách thức là rước bóng Cô Bơ ở Đền Ba Bông về hầu Thánh mẫu Đệ Tam Đền Hàn, khi thực hiện xong nghi lễ lại rước Cô trở về, lễ rước được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống. Lễ hội diễn ra rất sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng xứ Thanh, trên bộ dưới sông xe thuyền tấp nập, cờ hoa rợp trời, kẻ Nam người Bắc, dưới ngược trên xuôi, muôn nẻo đổ về đông vui vô kể.
Lịch sử hình thành đền Hàn Sơn
Được công nhận Di tích cấp tỉnh từ năm 1994, cụm di tích – thắng cảnh Hàn Sơn – Phong Mục thuộc thôn Phong Mục, xã Châu Lộc cũ (nay là xã Triệu Lộc), huyện Hậu Lộc là hệ thống các công trình thờ đạo Mẫu có lịch sử lâu đời, bao gồm: Đền Mẫu Thoải, đền Quan Giám Sát, đền Cô Tám và đền Cô Đôi. Trong đó, đền thờ Mẫu Thoải Phong Mục là công trình chính, được xây dựng theo kiến trúc 5 cung, thờ tam tòa Thánh Mẫu và các thần nhân có công dựng nước, lập làng.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân và du khách gần xa, năm 2012 xã Hà Sơn đã khởi công san lấp mặt bằng, xây dựng và trùng tu lại Đền Mẫu Hàn Sơn thờ vọng. Đây là một việc làm có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của đông đảo nhân dân xã Hà Sơn nói riêng và du khách thập phương nói chung và nơi “Quốc Mẫu dân cầu”, sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của mọi tầng lớp nhân dân trong hệ thống danh – thắng hiện có trên địa bàn huyện Hà Trung và hyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Văn khấn mẫu Hàn Sơn, cô Bơ chuẩn theo tứ phủ Công Đồng được sử dụng nhiều nhất
Bắt đầu bài văn khấn cô bơ:
Nam mô a di đà Phật !
Nam mô a di đà Phật !
Nam mô a di đà Phật !Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất, con lạy chư phật mười phương, mười phương chư phật.
Con lạy toàn thể chư phật, chư tiên, chư thánh.
Con lạy:… (tên thánh chủ bản đền)
Đệ tử con tên là:………. tuổi:……….
Ngụ tại:……………………………Hôm nay, (không cần nói rõ ngày tháng làm gì). Chúng con đến đây có chút hương hoa, phẩm quả, lễ mặn (chú ý dâng gì thì kêu đó – không có lễ mặn mà kêu lễ mặn là phải tội, nên nhớ không bày lễ mặn ở cung Phật) xin dâng lên các chư tiên, chư thánh để cảm tạ ơn đức của các ngài đã phù hộ độ trì cho chúng con suốt thời gian qua.
Vừa qua, được sự lưu tâm độ trì của các ngài mà công việc (Nếu đã xin việc gì cụ thể mà thành công thì xin trình bày) của con đã hành thông vẹn tròn. Chúng con xin được cảm tạ và lễ tạ tất cả các Ngài.
Hôm nay, chúng con tới đây với tất cả lòng thành kính xin các ngài phù hộ độ trì cho con các việc sau: (Nêu cụ thể các việc cần xin, các khó khăn có thể gặp phải và có thể cả hướng định giải quyết).
Một lần nữa, thay mặt gia chung chúng con, con xin các ngài giang tay cứu giúp cho chúng con. Chúng con xin đa tạ… ( tên vị thánh bản đền) và toàn thể các chư tiên, chư thánh.Nam mô a di đà Phật !
Nam mô a di đà Phật !
Nam mô a di đà Phật !